Địa chỉ: Số 18 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội
Liên kết mạng xã hội: 
Menu

Tin tức

Dịch vụ công cộng - Thước đo chất lượng của cuộc sống

Ở Việt Nam, càng quan trọng hơn bởi đô thị hoá và định hướng xã hội chủ nghĩa, rất nhiều dịch vụ công cộng vừa mang thuộc tính thị trường lại vừa mang thuộc tính phục vụ. Đô thị Việt Nam dù mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nhưng chúng ta đã nhìn thấy sự thất bại của hệ thống loại hình tầng bậc và đơn chức năng trong các công trình dịch vụ công cộng. Chính vì vậy, quá trình quy hoạch xây dựng đô thị và chỉnh trang đô thị rất cần có sự nhìn nhận khách quan về thực tiễn và các xu hướng phát triển hệ thống dịch vụ công cộng.

Dịch vụ công cộng – Thước đo chất lượng sống

Theo lý thuyết, các đô thị sau hiện đại chia hệ thống dịch vụ công cộng đô thị cụ thể hơn với các cấu trúc dịch vụ công cộng đơn vị cơ bản, được tính toán theo: Quỹ thời gian – Làm việc và nghỉ ngơi, đi lại; Nhu cầu sống; Nhu cầu sinh hóa. Từ các cấu trúc đơn vị cơ bản đó có thể tiến hành quy hoạch và tổ chức mạng lưới các Trung tâm dịch vụ công cộng đô thị và vùng đô thị một các khoa học.

Ở Việt Nam, hệ thống dịch vụ công cộng của những đô thị thời Pháp thuộc đã kế thừa các mô hình dịch vụ sinh sống nhỏ kiểu “phố hàng” của đô thị truyền thống và xây dựng được các Trung tâm công cộng mới theo kiểu đô thị phương Tây khá phù hợp với quy mô dân số còn khiêm tốn lúc bấy giờ. Hiện nay, những Trung tâm đô thị thời Pháp thuộc vẫn đóng vai trò chủ chốt trong đời sống công cộng như hành chính – hành pháp, thương mại, văn hoá, giáo dục… mà các khu đô thị mới hiện nay chưa theo kịp. Chúng đã tạo thành các khu phố lịch sử – di sản rất có giá trị của Việt Nam. Nhưng chúng cũng đang kêu cứu vì quá tải và có nguy cơ bị phá vỡ cấu trúc vốn có, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lạm dụng quá mức công suất dịch vụ công cộng của chúng.

Vấn đề nghiên cứu tổ chức không gian dịch vụ công cộng đô thị đang trở nên cấp bách để góp phần hoạch định đô thị đúng nghĩa ở Việt Nam, thúc đẩy kinh tế đô thị và các dòng hoạt động sản xuất – tiêu dùng, hoạt động chính trị – xã hội, hoạt động đời sống, văn hoá, tinh thần của dân cư trong thời kỳ hiện đại hoá đất nước.

Việc đầu tư các công trình dịch vụ công cộng hiện nay rất nan giải, tuy có quỹ đất trong quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư quan tâm. Chính sách đầu tư, nguồn vốn, nhân lực, công nghệ… cho loại hình này cần theo xu hướng xã hội hoá rộng rãi và có sự hỗ trợ định hướng của nhà nước. Chính vì vậy, các mục tiêu đặt ra cho bài toán phát triển các đô thị sống tốt chính là hướng quy hoạch và xây dựng đô thị ở Việt Nam gắn với con người, vì con người, nhằm thiết lập mạng lưới dịch vụ công cộng hợp lý vừa sử dụng được các thành tựu tiên tiến nhất của thế giới, đồng thời kế thừa và phát huy các giá trị của truyền thống trong phát triển tương lai.

dịch vụ công cộng

Xu hướng phát triển tổ hợp dịch vụ công cộng tại Việt Nam

Vấn đề thay thế các công trình công cộng đơn chức năng bằng các tổ hợp dịch vụ công cộng đa chức năng là một hướng đi phù hợp với hình thái dân cư và phương thức sinh sống nhỏ trong đô thị truyền thống phương Đông được nhận định là một xu hướng mới về tổ hợp dịch vụ công cộng phù hợp với sự phát triển của đô thị Việt Nam.

Chúng ta cần tổ chức Hệ thống phục vụ công cộng thích ứng với phương thức sinh sống nhỏ ở đô thị Việt Nam, đây là những suy nghĩ ban đầu tìm lời giải cho bài toán phát triển đô thị và kiến trúc. Kinh nghiệm của một số thành phố Đông Nam Á như: Singapore, Manila, BangKok, Kuala Lumpua… đã phát triển rất tốt Hệ thống phục vụ dựa trên các tổ hợp dịch vụ hạt nhân trong khu ở, tổ hợp vui chơi giải trí, tổ hợp văn hóa – giải trí, các tổ hợp thể thao, bệnh viện, trường học… thích hợp với các tầng lớp dân cư khác nhau trong đô thị, kể cả những người đã quen sống theo phương thức sinh sống nhỏ.

Trong những năm gần đây do sự đổi mới của chính sách, ở Hà Nội có một số khu đô thị hay một vài công trình lớn được hình thành theo hướng Tổ hợp dịch vụ công cộng: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Kangnam, Plaza Mỹ Đình…) là những ví dụ điển hình cho quá trình trung tâm hoá các Tổ hợp dịch vụ công cộng đa chức năng. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có giải pháp triệt để nhằm ổn định mạng lưới dịch vụ đời sống từ cấp độ vùng đô thị, thành phố, quận huyện, khu ở đến nhóm ở… cũng như xây dựng các tiêu chuẩn xác lập hệ thống công trình dịch vụ đời sống thiết yếu để giảm tải cho các Trung tâm cũ của TP Hà Nội, cân bằng giữa bảo tồn di sản đô thị lịch sử với phát triển mới. Ví dụ như chưa có quy hoạch Trung tâm Hành chính Quốc gia nên bộ nào cũng làm đề án xây dựng trụ sở và đi… xin địa điểm một cách tuỳ tiện gây lãng phí cho sự vận hành sau này. Còn Trung tâm giao tiếp cộng đồng đô thị, các Trung tâm dịch vụ công nghệ, Trung tâm kinh tế tri thức… sẽ ra đời bằng cách nào, và ở đâu trong các quy hoạch phân khu, ai đầu tư và quản lý vận hành? đều là những câu hỏi có tầm chiến lược trong phát triển đô thị.

Công việc này cũng khó khăn khi phải đối mặt với việc mở rộng thành phố lên gấp ba lần, ôm vào Thủ đô một vùng nông thôn rộng lớn, càng làm cho bài toán thiết lập hệ thống dịch vụ đời sống thiết yếu trong khu vực cũ, mới, vùng ven và khu mở rộng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa sống còn cho Hà Nội.

Đầu tư các công trình dịch vụ công cộng đô thị cần chia thành các nhóm: 1) phục vụ đời sống thiết yếu cần trở thành chính sách bắt buộc các nhà đầu tư đô thị phải xây dựng vì dân để họ an cư tại chỗ. Dân mua nhà để ở phải có đủ dịch vụ thiết yếu. 2) nhà nước có chính sách ưu đãi hỗ trợ ban đầu theo hướng xã hội hoá để khuyến khích đầu tư từ quy hoạch và xây dựng đô thị nhằm thoả mãn tối thiểu dịch vụ công cộng cho dân cư.

Tin tức khác
Công ty Xây dựng Vệ sinh Môi trường Đô thị Số 1 Hà Nội