Vấn đề ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng tăng cao. Ngày càng có nhiều khu công nghiệp lớn mọc ra. Chất thải sinh hoạt, chất thải của các khu công nghiệp ngày càng nhiều tuy nhiên lại chưa có các biện pháp khắc phục triệt để kèm theo các thói quen xả thải không tập trung đã làm ô nhiễm môi trường nước vô cùng nghiêm trọng.
Ô nhiễm nước là gì?
Nước tồn tại dưới rất nhiều hình thức như nước cống, sông hồ, thể khí, băng. Ô nhiễm nước là một dạng ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm nước là hiện tượng nguồn nước bị chất độc xâm chiếm. Những chất này có thể gây hại không chỉ đối với con người mà còn cả những sinh vật sống trong tự nhiên. Ô nhiễm nước thường rất khó khắc phục. Vì vậy, hiện nay phải phòng tránh ô nhiễm nước ngay từ đầu.
Thực trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam
Hàng trăm khu công nghiệp với các công ty lớn nhỏ khác nhau, hàng tấn nước thải rác thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp vào đường ống, các chất ô nhiễm hữu cơ, các kim loại còn nguyên trong nước đã thâm nhập vào nguồn nước.
Ở các thành phố, rác thải sinh hoạt được vứt lung tung, ngổn ngang làm tắc đường cống, nước không thoát được, nên cứ mỗi trận mưa đến ngừời ta lại phải đi thông cống để thoát nước. Những con sông nhuệ, sông tô lịch đen kịt, bốc mùi hôi vì rác thải.
Ở nông thôn do điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, cơ sở lạc hậu, các chất thải sinh hoạt và cả gia súc, gia cầm chưa qua xử lý đã thấm xuống các mạch nước ngầm, nếu sử dụng nước ngầm không xử lý sẽ có khả năng mắc các bệnh do nước gây ra.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón và các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các kênh mương, sông hồ bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo thống kê mỗi năm có đến 9000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, và phát hiện 100.000 trường hợp ung thư mỗi năm mà nguyên nhân chính là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Khảo sát 37 xã mang tên “làng ung thư” đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư.
Nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tại một số địa phương, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường nước như tiêu chảy do nước nhiễm bị khuẩn ecoli, viêm da, hoặc các bệnh đau mắt ngày càng nhiều, và có khả năng lây lan thành dịch bệnh.
Hậu quả của ô nhiễm nước
Trong cơ thể chúng ta có 70% là nước. Con người cần nước để duy trì trạng thái cân bằng trong cơ thể. Với việc khai thác nguồn tài nguyên quá nhiều của người, nguồn nước sạch không chỉ bị khan hiếm mà còn bị ô nhiễm trầm trọng. Việc thiếu nước sạch và ô nhiễm nước sẽ gây những hậu quả nặng nề mà chúng ta không thể ngờ tới. Cụ thể như sau:
Suy giảm hệ miễn dịch
Những nguồn nước chưa qua xử lý sẽ có các chất như Asen, Flo và phèn. Nếu 3 chất này thâm nhập vào cơ thể ít thì không sao. Tuy nhiên, nếu tích dần trong cơ thể trong thời gian dài, đặc biệt là trẻ em sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ. Cụ thể như thần kinh, sắc tố da, tim mạch, đường ruột, thậm chí là ung thư. Không đâu xa, tại TP.HCM, người dân ở cạnh kênh Tàu Hủ cũng phàn nàn về vấn đề này. Theo người dân ở đây, chỉ cần uống nước của con kênh là da bị ngứa ngáy, khó chịu.
Dân trí thụt lùi
Khi không được tiếp cận nước sạch và kinh tế chưa phát triển những người dân nơi đây sẽ chỉ chú tâm vào việc mưu sinh, tìm và lọc nước mà thôi. Họ sẽ không có cơ hội tiếp cận đến các kiến thức khác như môi trường, kinh tế và xã hội. Đó là lý do họ không nhận thức được những nguy hiểm mà nguồn nước mang lại.
Đói nghèo
Nước bẩn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vào mùa khô hoặc nước bị ngập mặn, người dân tại vùng ven biển miền Tây và Nam Trung thường phải xây bể để chứa nước sinh hoạt. Với số tiền này hộ nghèo có thể mua sách cho con em đến trường.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước
Để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường nước cần phải có chủ trương kế hoạch lâu dài của địa phương và các cơ quan quản lý, nhất là sự chung tay của mỗi người dân. Đầu tiên cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường cũng như sức khỏe của mỗi người.
Chung tay bảo vệ môi trường sống
- Xây dựng các điểm thu gom rác thải tập chung, để chôn lấp, xử lý theo phương pháp chuyên biệt, tránh bị ngấm vào nước ngầm.
- Yêu cầu các đơn vị sản xuất cần xử lý rác thải, nước thải trước khi xả ra đường ống chung, giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm cần xử lý. Thực hiện nghiêm túc luật bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất.
- Mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ nguồn nước và môi trường sống xung quanh mình, vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ để cùng nhau bảo vệ môi trường.
- Đối với các khu vực có nguồn nước chưa đảm bảo nên sử dụng máy lọc nước để loại bỏ các chất ô nhiễm kim loại nặng, vi khuẩn, vi rút… để có nguồn nước ăn uống, sinh hoạt đảm bảo, giúp gia đình phòng tránh các bệnh tật liên quan đến nguồn nước.
Vai trò của nước là vô cùng quan trọng với cuộc sống mỗi người, vì thế hãy cùng chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường nước trong sạch, không bị ô nhiễm cũng chính là bảo vệ sức khỏe của mỗi người chúng ta.