Địa chỉ: Số 18 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội
Liên kết mạng xã hội: 
Menu

Tin tức

Vấn đề quản lý chất thải của các quốc gia trên thế giới

Đối mặt với cảnh báo về cuộc khủng hoảng rác thải toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng. Rác có thể gây ra những gánh nặng khổng lồ về môi trường cũng như tài chính cho nước. Các quốc gia lớn trên thế giới đã có những biện pháp quản lý và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện riêng.

quản lý chất thải

Ở Nhật Bản, vấn đề quản lý chất thải được thực hiện rất hiệu quả nhờ thực hiện thành công hệ thống phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Mỗi thành phố, thị trấn và quận đều có một hệ thống hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, 23 khu phố ở Tokyo có hệ thống phân loại rác riêng, tất cả rác có thể đốt cháy được yêu cầu đựng vào túi đỏ, rác không thể đốt cháy đựng trong túi màu xanh dương trong khi giấy, nhựa, chai lọ, nhựa mềm, báo, bìa, thủy tinh và pin đựng ở túi màu trắng.

Ở Hàn Quốc, cách quản lý chất thải được xử lý như sau:  rác hữu cơ nhà bếp một phần được sử dụng làm giá thể nuôi trồng nấm thực phẩm, phần lớn hơn được chôn lấp có kiểm soát để thu hồi khí biôga cung cấp cho phát điện. Sau khi rác tại hố chôn phân huỷ hết, tiến hành khai thác mùn ở bãi chôn làm phân bón. Như vậy, tại các nước phát triển việc phân loại rác tại nguồn đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành 2 dòng hữu cơ dễ phân huỷ được thu gom xử lý hàng ngày, rác khó phân huỷ có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã thành công trong quản lý chất thải rắn để bảo vệ môi trường. Chính phủ Singapore đang yêu cầu tăng tỷ lệ tái chế thông qua phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình, các chợ, các cơ sở kinh doanh để giảm chi ngân sách cho Nhà nước. Trong khi đó, tại Bangkok, việc phân loại rác tại nguồn chỉ mới thực hiện được tại một số trường học và một số quận trung tâm để tách ra một số loại bao bì dễ tái chế, lượng rác còn lại vẫn đang phải chôn lấp, tuy nhiên được ép chặt để giảm thể tích và cuốn nilon rất kỹ xung quanh mỗi khối rác để giảm bớt ô nhiễm.

Ở Đan Mạch, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Rác được kiểm tra ngẫu nhiên để phát hiện chất thải có thể tái chế được và những người vi phạm bị phạt rất nặng.

Ở Ấn Độ hàng năm thải bỏ đi gần 6,4 triệu tấn rác thải nguy hại, trong đó 3,09 triệu tấn có thể tái chế được, 0,41 triệu tấn có thể thiêu hủy và 2,73 triệu tấn sẽ phải đổ ra bãi chứa rác thải. Hầu hết rác thải có các đặc tính phù hợp cho việc tận dụng chúng làm nguyên liệu nguồn, hoặc cho việc khôi phục năng lượng hoặc các nguyên liệu như kim loại hoặc sử dụng chúng trong ngành xây dựng, chế tạo các sản phẩm cấp thấp hoặc cho khôi phục lại chính sản phẩm đó, mà sau khi sử lý có thể được sử dụng như là một nguyên liệu nguồn. Do vậy, một ý tưởng mới hình thành để sử lý rác thải nguy hại làm nguyên liệu nguồn thay vì là nguyên liệu khó thải bỏ.

Australia là một trong những quốc gia thải rác nhiều nhất thế giới. Nếu không tính đến Mỹ, Australia thải ra một lượng rác mỗi năm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Nhiều trung tâm đô thị lớn ở Australia đã được mở rộng để phù hợp với tiêu chuẩn sống cao hơn của người dân. Do đó, hệ thống xử lý rác thải cũng được yêu cầu cao hơn. Những biện pháp xử lý rác thải bền vững được tìm kiếm và áp dụng. Ước tính một người dân ở Australia mỗi ngày thải ra 3kg rác. Chất thải này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Đối với chất thải rắn như rác sinh hoạt, sản phẩm công nghiệp được xử lý tại các bãi chôn lấp, tuy nhiên số lượng các bãi chôn lấp là có hạn.

Tại Việt Nam, hiện lượng chất thải trên cả nước phát sinh khoảng 12,8 triệu tấn/năm. Tốc độ gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 12%. Tuy nhiên, lượng rác thải thu gom chỉ đạt khoảng 85,5% (khu vực đô thị) và 45,5% (khu vực nông thôn). Chưa hết, hiện có một số lượng lớn doanh nghiệp sản xuất ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lượng rác đang bị thải bỏ tràn lan ra môi trường.

Không dừng lại đó, hiện phần lớn chất thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Cả nước đang tồn tại 660 bãi chôn lấp rác thải có diện tích trên 1ha, nhưng chỉ có 25% trong số này đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng.

Cũng theo các diễn giả, để cải thiện hiện trạng thu gom và xử lý chất thải đô thị hiện nay, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch, quản lý chất thải rắn theo vùng, địa phương. Song song đó, tạo cơ chế bình đẳng để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tự do cạnh tranh, chống độc quyền, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và giảm chi tiêu ngân sách.

vệ sinh môi trường

Cần thiết tăng cường công tác kiểm soát hoạt động chuyển giao chất thải, kết hợp xử phạt thật nặng những chủ nguồn thải cố tình thải bỏ chất thải ra ngoài môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong hoạt động phân loại rác thải tại nguồn và bảo vệ môi trường. Sớm xây dựng các tiêu chí về thiết bị, công nghệ gắn với nhu cầu phát triển của nước ta hiện tại và trong thời gian tới.

 

 

Tin tức khác
Công ty Xây dựng Vệ sinh Môi trường Đô thị Số 1 Hà Nội